Dịch Thuật Tâm Hòa Phát
Danh mục sản phẩm

7 đại học Việt Nam vào top thế giới theo nhóm ngành

Việt Nam có 7 trường vào top đại học thế giới theo nhóm ngành của QS, hầu hết tụt hạng, song cũng có mặt ở một số nhóm ngành mới.

Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh ngày 11/4 công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2024. Năm lĩnh vực với 55 nhóm ngành của hơn 1.550 đại học được xếp hạng.

Trong 5 lĩnh vực (Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học đời sống và Y học, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Quản lý), các trường của Việt Nam được xếp hạng ở hai lĩnh vực, giảm một so với bảng xếp hạng trước.

Cụ thể, trường Đại học Duy Tân ở vị trí 341 về Kỹ thuật và Công nghệ (tụt 15 bậc) và top 451-500 về Khoa học xã hội và Quản lý (tương tự năm ngoái). Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM không có mặt trong xếp hạng năm nay, sau khi lọt top 401-450 lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ năm 2023.

Một tòa nhà trong khuôn viên trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Ảnh: DTU fanpage

Một tòa nhà trong khuôn viên trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Ảnh: DTU fanpage

Về nhóm ngành, Đại học Quốc gia TP HCM năm thứ hai liên tiếp lọt top 51-100 thế giới ở ngành Kỹ thuật dầu khí. Đến nay, đây là vị trí cao nhất mà một cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đạt được ở bảng xếp hạng của QS.

Năm ngoái, trường Đại học Duy Tân cũng trong top 51-100 ở nhóm Quản trị dịch vụ du lịch và giải trí, nhưng năm nay rơi xuống vị trí 101-150.

Bước tiến đáng kể nằm ở nhóm ngành Toán học, khi trường Đại học Tôn Đức Thắng tăng 50 hạng, lên nhóm 201-250, là thứ hạng cao nhất ở ngành này. Còn Duy Tân là trường đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng ở nhóm ngành Kiến trúc và Môi trường Xây dựng, ở top 151-200.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng ở hai nhóm ngành Kỹ thuật Dầu khí (top 101-150) và Kinh tế và Kinh tế lượng (top 451-500).

Đại học Quốc gia TP HCM cũng được xếp hạng thêm ở bốn nhóm ngành, gồm Nông – Lâm nghiệp, Vật lý và Thiên văn, Kinh doanh và Quản lý, Kinh tế và Kinh tế lượng, đều ngoài top 400.

Ở các nhóm ngành còn lại, hầu hết trường bị giảm thứ hạng.

Ngành Trường Thứ hạng 2024 Thứ hạng 2023
Kiến trúc Đại học Duy Tân 151-200
Kỹ thuật Hóa học Đại học Quốc gia TP HCM 401-430 401-420
Khoa học máy tính Đại học Duy Tân 351-400 301-350
Đại học Bách khoa Hà Nội 451-500 451-500
Đại học Quốc gia TP HCM 451-500 451-500
Đại học Quốc gia Hà Nội 501-550 501-550
Đại học Tôn Đức Thắng 601-650 601-650
Kỹ thuật Điện, Điện tử Đại học Tôn Đức Thắng 301-350 351-400
Đại học Duy Tân 351-400 351-400
Đại học Bách khoa Hà Nội 351-400 351-400
Đại học Quốc gia TP HCM 351-400 301-350
Đại học Quốc gia Hà Nội 451-500 501-520
Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Sản xuất Đại học Bách khoa Hà Nội 451-500 401-450
Đại học Quốc gia Hà Nội 501-530 501-520
Kỹ thuật Dầu khí Đại học Quốc gia TP HCM 51-100 51-100
Đại học Quốc gia Hà Nội 101-150
Nông-Lâm nghiệp Đại học Cần Thơ 401-450 351-400
Đại học Quốc gia TP HCM 401-450
Y học Đại học Duy Tân 501-550 401-450
Hóa học Đại học Quốc gia TP HCM 351-400 601-630
Khoa học Môi trường Đại học Duy Tân 351-400 401-450
Đại học Quốc gia TP HCM 451-500 401-450
Toán học Đại học Tôn Đức Thắng 201-250 251-300
Đại học Quốc gia TP HCM 351-400 301-350
Đại học Quốc gia Hà Nội 351-400 351-400
Đại học Bách khoa Hà Nội 401-450 351-400
Vật lý và Thiên văn học Đại học Quốc gia TP HCM 601-640
Kinh doanh và Quản lý Đại học Quốc gia TP HCM 501-550
Đại học Quốc gia Hà Nội 551-600 501-550
Kinh tế và Kinh tế lượng Đại học Kinh tế TP HCM 301-350 351-400
Đại học Quốc gia Hà Nội 451-500
Đại học Quốc gia TP HCM 451-500
Quản trị dịch vụ du lịch và giải trí Đại học Duy Tân 101-150 51-100

QS là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học uy tín nhất hiện nay, bên cạnh Times Higher Education – THE (Anh) và Academic Ranking of World Universities – ARWU (Trung Quốc).

Bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực của QS dựa trên nhiều tiêu chí, gồm danh tiếng học thuật; uy tín của trường đại học với nhà tuyển dụng; số lượng trung bình trích dẫn trên một bài báo; chỉ số H-index đo năng suất nghiên cứu khoa học và mức độ ảnh hưởng của các công bố; chỉ số IRN đo hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế.

Trong đó, tiêu chí về danh tiếng học thuật chiếm trọng số 60%. Cả bảy trường được QS xếp hạng đều nằm trong top 10 tổ chức công bố quốc tế nhiều nhất ở Việt Nam các năm qua.

Doãn Hùng (Theo QS)

--------