Ở bất cứ đâu, khi hai chữ ‘banh mi’ bật lên thì biết ngay người ta đang nói đến ổ bánh mì Việt Nam. Đó là món ăn mà người nước ngoài muốn thưởng thức thì phải nói bằng tiếng Việt.
Người Việt ăn cơm ăn xôi, văn minh Việt Nam là văn minh ngàn năm lúa gạo. Trước đó, chúng ta không ăn bánh mì.
Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn, xuống Nam Kỳ lục tỉnh, ra miền Bắc rồi “phải lòng” cả dân tộc này. Giờ đây không ở đâu mà không có bánh mì.
Ngày 24-3, vừa hay kỷ niệm 13 năm “banh mi” đi vào từ điển Oxford như một danh từ riêng, để chỉ bánh mì Việt Nam và chỉ có Việt Nam mới có loại bánh này.
Mã vạch văn hóa
Dù có nguồn gốc châu Âu nhưng bánh mì Việt Nam khác lắm ổ bánh mì nơi khai sinh ra nó.
Đó là lý do mà khi nói về bánh mì kẹp thịt của người Việt, người nước ngoài dùng chữ “Vietnamese sandwich” vẫn thấy có gì đó… sai sai nên mới có hai chữ “banh mi” được bổ sung vào từ điển Oxford, bên cạnh baguette, sandwich…
Chiếc bánh mì kẹp thịt Việt Nam nổi tiếng, The Guardian không ngại ngần gọi đây là “loại sandwich ngon nhất thế giới”.
Không phải ở Rome, Copenhagen hay New York, mà trên các đường phố của Việt Nam.
Các bảng xếp hạng những món ăn đường phố ngon nhất, bánh mì chẳng bao giờ vắng mặt.
Hay ho chưa? Từ một món ăn từng bị các cụ đồ, tiêu biểu là cụ Nguyễn Đình Chiểu – trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – chê:
“Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ” – xem bánh mì, rượu chát là những thứ văn hóa ngoại lai.
Giờ bánh mì trở thành một nét văn hóa ẩm thực Việt và đi ra thế giới với danh từ riêng “banh mi”. “Banh mi” cùng với “pho” (phở), “ao dai” (áo dài) trong Oxford đã trở thành “mã vạch văn hóa” của người Việt.
Bánh mì kẹp thịt truyền thống chưa là gì
Bánh mì là một sản phẩm của tiếp biến văn hóa. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng hồi năm 2018 có nói: “Chính tiếp biến văn hóa làm cho cơ cấu văn hóa trưởng thành, đa dạng và phong phú hơn”.
Có thể giai đoạn đầu tiếp biến văn hóa là cục u bướu, làm ta khó chịu. Song lịch sử sau đó đã chứng minh nó ghép vào cơ thể ta một cách hoàn hảo.
Ổ bánh mì phương Tây “đột nhập” và “đại náo” ẩm thực Việt để rồi điềm nhiên, thẳng thớm “đi ngược” ra thế giới với bao thú vị và mời gọi.
Như thể ăn một ổ bánh mì, mời bạn đến với Việt Nam – nơi chẳng phải là quê hương của bánh mì nhưng tới đây, bạn sẽ được thưởng thức loại bánh mì ngon nhất thế giới.
Thế nhưng cái hay ở chỗ ta Việt hóa nó theo căn tính của mình. Cái chất “tùy nghi”, “nhập gia tùy tục” thấy rõ. Có gì dùng nấy, có gì ăn nấy, tiện cái gì dùng cái đó…
Bánh mì truyền thống của người Việt thường kẹp pa tê, thịt xíu hoặc thịt quay, chả lụa cùng rau thơm, dưa chuột… rồi rắc thêm một ít muối tiêu hoặc rưới một ít nước xốt đậm đà. Ai thích thì có thể thêm ớt xắt mỏng rải lên.
Nhưng ổ bánh mì kẹp thịt truyền thống nói ở trên đã là chi.
Nếu không biết, người nước ngoài dễ bị “tẩu hỏa nhập ma” khi khám phá thế giới bánh mì Việt Nam. Nó phong phú và “đa ngôn” một cách tinh vi.
Đến bánh mì truyền thống ở ba miền Bắc, Trung, Nam cũng không hoàn toàn giống nhau. Bởi vậy, ở Sài Gòn vẫn thấy những biển hiệu bánh mì Hà Nội và ngược lại ở Hà Nội vẫn thấy bán bánh mì Sài Gòn.
Còn bánh mì miền Trung, tiêu biểu như Đà Nẵng hay Hội An, bánh mì có phần nhân đậm đà hơn, ăn kèm với rau răm.
Mỗi vùng lại có kiểu bánh mì đặc trưng riêng nữa. Chẳng hạn ở Nha Trang, người ta hay ăn bánh mì kẹp chả cá… Cũng không nhất thiết phải kẹp thịt, có nơi kẹp trứng rán và pa tê. Vẫn ngon như thường.
Không dừng ở bánh mì kẹp thịt, giờ đây người Việt lại nhanh nhạy vô đối khi cho ra những ổ bánh mì thuần chay với đậu phụ, nấm, pa tê chay, xốt chay hoặc vỏ bưởi lên men…
Điều này rất được lòng các thực khách có xu hướng ăn thuần chay. Thêm một lần nữa bánh mì Việt Nam lại ghi điểm.
Cứ thế, nó chu du khắp thế giới đa giác quan và mùi vị, từ châu Á tới châu Âu, sang cả Mỹ, mang đến một “cảnh sắc Việt Nam” qua con đường dạ dày.