Hiroshima không chỉ nổi tiếng vì vụ ném bom nguyên tử trong Thế chiến II mà còn hút khách vì vẻ cổ kính, bề dày văn hóa và món hàu tươi ngon.
Dưới đây là lịch trình tham khảo khám phá từ Hiroshima đi qua Okayama, Kobe và Osaka, trong ba ngày, theo gợi ý của Nick M, travel blogger có kinh nghiệm gần 20 lần đi Nhật.
Hiroshima phù hợp với du khách đi Nhật từ lần thứ hai trở lên, muốn tham quan các điểm mới lạ, địa danh gắn với lịch sử, văn hóa. Cung đường từ Hiroshima tới Okayama men theo đường biển nội địa Seto, cũng nổi tiếng là điểm xuất phát của cung đường đạp xe Shimanami.
Ba ngày ở thành phố bom nguyên tử Hiroshima (bài ctv)
Cổng đỏ Torri – điểm check in nổi tiếng nhất trên đảo Miyajima. Ảnh: Nick M
Ngày 1:
Buổi sáng, trưa:
Du khách bay thẳng 4 tiếng rưỡi từ Hà Nội tới Hiroshima, đến nơi vào khoảng 12h30 buổi trưa. Sân bay quốc tế Hiroshima nhỏ hơn so với Kansai ở Osaka hay Narita và Haneda ở Tokyo. Nhưng chính vì thế, thời gian nhập cảnh nhanh gọn hơn và hiếm khi phải xếp hàng dài.
Điểm đến đầu tiên khá thú vị ở Hiroshima nên ghé là làng Hattendo, nằm ngay trước sân bay. Đây là công viên ẩm thực có nhiều hàng quán ăn uống, đồ lưu niệm và còn có thể học làm bánh su kem địa phương. Quán cà phê ở đây có view đẹp, nhìn máy bay cất và hạ cánh giữa không gian đồng cỏ xanh.
Chiều, tối:
Trên đường vào trung tâm, du khách có thể ghé qua nhà máy rượu sake Kamotsuru. Tới đây, khách có thể hiểu rõ hơn về quá trình chưng cất loại “quốc tửu” của người Nhật, nếm thử, cũng như tìm hiểu các loại sake.
Điểm tham quan chính không thể bỏ lỡ ở Hiroshima chính là cụm vòm bom nguyên tử, công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima và bảo tàng Tưởng niệm hòa bình trong cùng một khu.
Trong Thế chiến II, ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” thả xuống thành phố Hiroshima đã khiến khoảng 140.000 người chết. Vòm bom là công trình kiến trúc còn lại minh chứng cho sự khủng khiếp của quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử loài người, do quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima vào lúc 8h15 cách đây gần 80 năm. Năm 1996, công trình này đã được ghi vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.
Hãy tới đây vào buổi chiều để ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua mái vòm trên những tàn tích còn sót lại sau vụ ném bom.
Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng với mong ước hòa bình cho thế giới, nằm ở trung tâm thành phố. Nơi đây còn có một ngọn đuốc luôn cháy bất kể thời tiết nắng mưa, biểu trưng cho hy vọng không bao giờ bị dập tắt.
Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima được thành lập với mục đích truyền tải sự thật về những thiệt hại do bom nguyên tử gây ra. Tại đây trưng bày di vật của những nạn nhân cùng những hình ảnh, tài liệu cho thấy sự thảm khốc của vụ nổ. Đồng thời, bảo tàng cũng giới thiệu hành trình của Hiroshima trước và sau sự kiện, tình hình trong thời kỳ hạt nhân. Tất cả đều được xâu chuỗi thành câu chuyện với ngôn ngữ kể giàu cảm xúc.
Bánh xèo Nhật Bản. Ảnh: Nick M
Hàu nướng, đặc sản của Hiroshima. Ảnh: Nick M
Buổi tối, du khách nên đi ăn bánh xèo ở Okonomiyaki Hiroki – cửa hàng duy nhất ở trung tâm thành phố Hiroshima phục vụ món “Mì Tōmen Sanji” (mì được nhào với ớt từ thành phố Miyoshi, tỉnh Hiroshima). Bánh xèo (okonomiyaki) ở đây chỉ sử dụng mì tươi và các món nướng trên chảo (teppanyaki) tuân theo phương châm tiêu thụ tại địa phương, sử dụng nguyên liệu nội vùng. Ngoài bánh xèo, sò điệp và hàu cũng là món nên thử.
Ngày 2:
Sáng, trưa:
Tham quan đảo Miyajima, một trong ba danh lam thắng cảnh hàng đầu của Nhật Bản. Là một hòn đảo nhỏ nổi trên vịnh Hiroshima, nơi đây nổi tiếng với những khu rừng và những ngôi đền, chùa cổ và đặc biệt là đền Itsukushima, nơi có cổng Torii lớn nổi trên mặt nước thu hút đông đảo du khách check in. Khi thủy triều xuống, bạn có thể đi bộ tới cổng Torii màu đỏ son tráng lệ nằm ngoài khơi.
Để ra đảo Miyajima, du khách có thể trải nghiệm tàu hơi nước biển nội địa Seto. Ngoài các tuyến tàu và phà cao tốc nối thành phố Hiroshima, Kure và Matsuyama, hãng tàu nội địa này còn khai thác các tàu du lịch ở vịnh Hiroshima. Thời gian ra đảo khoảng 20-30 phút.
Một góc của đảo Miyajima. Ảnh: Nick M
Phố mua sắm Miyajima Omotesando, dài khoảng 350m, dẫn đến đền Itsukushima, là nơi bán đồ chạm khắc dân gian cùng các món ăn nổi tiếng của Miyajima được làm từ hàu và lươn. Hàu Hiroshima có hương vị đậm đà và mọng nước, ngon nhất vào mùa đông, với nhiều cách chế biến như ăn sống, chiên giòn, hầm, hàu hấp cơm, nấu súp.
Buổi trưa, du khách có thể ăn vặt ở phố Miyajima Omotesando hoặc ghé Ina Tadashi – nhà hàng lâu đời nằm giữa phố phục vụ món cơm lươn thơm ngon và hàu chiên xù.
Chiều, tối:
Đi phà từ Miyajima về lại Hiroshima, tới nhà máy Yamadaya Ohno trải nghiệm tự tay làm bánh hình lá phong “Momiji Manju”, món quà đặc trưng của Miyajima. Tất cả bánh ngọt đều được các nghệ nhân làm thủ công với nguyên liệu Nhật Bản và phương Tây được lựa chọn cẩn thận.
Những ngôi nhà cổ kính tại làng Tekehara. Ảnh: Nick M
Sau khi làm bánh, du khách có thể mua sắm ở Hiroshima Hondori, cách ga JR Hiroshima 10 phút đi xe điện. Đây là con phố mua sắm có diện tích rộng, đại diện cho Hiroshima, thành phố Hòa bình và Văn hóa quốc tế vùng Chugoku-Shikoku. Nơi đây có nhiều cửa hàng quần áo bản địa cũng như các thương hiệu thế giới. Các quán sake hay quán nướng izakaya trong khu vực là nơi khách có thể ghé thăm vào buổi tối.
Ngày 3:
Sáng, trưa:
Di chuyển từ trung tâm Hiroshima khoảng 90 phút tới thị trấn Takehara – quê hương của ông chủ thương hiệu đồ uống đình đám Nikka. Takehara được mệnh danh là “Kyoto thu nhỏ của Aki” vì từng là trang viên của đền Shimogamo ở Kyoto trong thời Heian. Nơi đây phù hợp để tản bộ ngắm các ngôi nhà cổ và chụp ảnh vì không có quá nhiều khách du lịch, không gian thoáng đãng.
Buổi trưa, du khách có thể nghỉ ngơi tại trạm dừng chân Takehara Craft Beer Fukube, tham quan nơi sản xuất đồ thủ công bằng tre Machinami Takekobo.
Chiều, tối:
Trải nghiệm cáp treo Senkoji và tản bộ xung quanh khu vực Onomichi. Senkoji là tuyến cáp treo độc đáo ở Nhật Bản đi qua các đền chùa. Đây là phương tiện lý tưởng cho khách du lịch đến thăm Shimanami Kaido trong các chuyến đi gia đình, ngắm cảnh kênh Onomichi và phong cảnh của vùng Onomichi và Setouchi.
Du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh biển nội địa Seto khi lên đến đỉnh núi, sau đó đi bộ xuống, dừng chân tại hẻm mèo “Neko no Hosomichi”, ngắm nhiều chú mèo hoang nằm sưởi nắng cả ngày.
Biển nội địa Seto, nơi quay phim kinh điển Tokyo Story và The Naked Island. Ảnh: Nick M
Thị trấn Onomichi nằm ở phía đông nam của tỉnh Hiroshima. Nơi đây nổi tiếng là bối cảnh quay nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Nhật như “Tokyo Story” của đạo diễn Yasujiro Ozu hay “The Naked Island” của đạo diễn Kaneto Shindo. Thị trấn cũng là điểm xuất phát của hành trình đạp xe Shimanami dọc bờ biển.
Buổi tối, du khách có thể ghé Onomichia U2 Yard Cafe ăn tối. Onomichi U2 từng là nhà kho, được cải tạo dựa trên ý tưởng thiết kế “một thị trấn nhỏ bên trong thành phố”. Khu phức hợp có khách sạn, nhà hàng, quán bar, cà phê, tiệm bánh, cửa hàng đồ lưu niệm và cửa hàng cho thuê xe đạp. Tên gọi U2 xuất phát từ chữ “U” và số “2” trong tên ban đầu của tòa nhà. Nơi đây phù hợp với những ai muốn trải nghiệm đạp xe ven biển bởi có thể ăn, nghỉ và thuê xe tại chỗ.
Các nhà hàng trong Onomichi U2 có nước trái cây tươi và súp theo mùa được chế biến từ rau và trái cây biển nội địa Seto. Các món hải sản tươi như cá hấp, sò điệp chế biến theo kiểu Âu Mỹ ăn kèm bánh mì và salad là những món du khách nên thử.
Di chuyển và ở Hiroshima:
Hiroshima có nhiều loại phương tiện như tàu JR, xe bus hoặc tàu điện Tram.
Du khách tới Hiroshima có thể thuê chỗ ở gần ga trung tâm, tiện đi lại, hoặc phố mua sắm Hondori. Khách sạn Grand Prince Hotel, nơi từng diễn ra hội nghị G7 năm 2023, có vị trí di chuyển tiện nhất tới đảo Miyajima, giá khoảng 2,6 triệu đồng mỗi đêm cho phòng đôi.
Giá vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Hiroshima khoảng 7,5 triệu đồng, rẻ hơn so với tới Osaka hay Tokyo nên cung đường có thể trở thành điểm mới để khám phá mùa thu và mùa hoa anh đào. Mùa thu năm 2024 của Nhật Bản được dự báo đến muộn, tại Hiroshima lá vàng trong khoảng từ 21-29/11.
Nick M