Đi du học và quyết tâm trở về quê hương, ước mong cống hiến phải thừa nhận ấy còn là bản lĩnh. Ai cũng hiểu ở nước ngoài sẽ có cơ hội làm việc với những chuyên gia hàng đầu, cả thu nhập cũng tốt hơn.
Dĩ nhiên, không phải ở trong nước không có nếu bạn thật sự chứng minh được năng lực của bản thân, để quăng vào đâu bạn cũng có thể phát triển tốt nhất cho mình và tập thể.
Câu chuyện Hồ Ngọc Hân – một trong những nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hiếm hoi chọn trở về – thật sự gây xúc động với nhiều bạn đọc về cách nghĩ của một người trẻ.
Những dư luận kiểu “về quê không quen biết khó có công việc tốt” ít nhiều cũng ảnh hưởng tâm lý người quay về. Song khi chia sẻ với sinh viên, tôi vẫn nói điều đó nếu có chỉ tác động phần nào trong lộ trình thăng tiến, còn quyết định vẫn tùy thuộc vào năng lực của chính bạn.
Cuộc sống trao cho chúng ta cơ hội công bằng. Vấn đề còn lại là ai thật sự có năng lực để nhận diện, nắm bắt cơ hội ấy ra sao. Có những sinh viên của tôi về quê nhờ trau dồi tốt kỹ năng công việc cùng với vốn ngoại ngữ, các bạn tự tin và làm tốt các trọng trách.
Thẳng thắn mà nói nhiều bạn trẻ hay đòi hỏi mọi thứ phải được sắp xếp thuận lợi hết, mà quên rằng thử thách, khó khăn cũng là cơ hội giúp ta chứng minh năng lực, rèn luyện bản lĩnh.
Đã quá quen với câu nói “muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm cớ”, nên nếu quyết tâm quay về, tại sao không xem khó khăn, hạn chế gặp phải là động lực để cố gắng hơn?
Thực tế chứng minh không ít chuyên gia, người lao động ở các nước tiên tiến đã tìm thấy cơ hội tại Việt Nam. Họ đến làm việc, yêu mến, ở lại và xem đây như quê hương thứ hai.
Trong khi một thực tế khó phủ nhận là tâm lý sính ngoại của không ít người Việt. Nhìn cái gì ở xứ người cũng hay rồi so sánh, phát ngôn này kia. Quên nguồn cội và thiếu lòng biết ơn với mảnh đất quê hương thì dù thành công đến mấy, danh phận đến đâu e cũng là thất bại trong tâm thế một người tử tế.
Tại đâu cũng có thể cống hiến cho quê hương nếu xét ở khiá cạnh công dân toàn cầu. Đi lao động nước ngoài gửi ngoại tệ về giúp cải thiện đời sống gia đình trong nước hoặc tích lũy vốn liếng đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người cùng quê cũng đều là cống hiến. Cốt lõi vẫn là chọn lựa của mỗi người mà thôi.
Ở đâu cũng là đóng góp
Tôi nhớ mãi lần dự đại hội của Hội Sinh viên Việt Nam năm đó, có du học sinh băn khoăn rằng liệu trở về có cơ hội không và nếu ở lại nước ngoài thì có đóng góp cho quê nhà không? Bằng sự chân tình, gần gũi, vị phó thủ tướng khi ấy chân thành rằng thế giới mở, hội nhập toàn cầu, khái niệm ranh giới địa lý ngày một xóa nhòa thì ở đâu cũng là đóng góp cho quê hương.
Có nhiều cách đóng góp dù bạn ở đâu, miễn thấy phù hợp và quan trọng là lòng bạn chắc chắn sẽ luôn hướng về đất nước. Ở đó không chỉ có gia đình, nó còn là phần ký ức không thể quên của cuộc đời bạn, ít nhất cho đến ngày bạn bước ra tìm hiểu thế giới rộng lớn hơn ngoài kia.
Vị phó thủ tướng ấy khuyên sinh viên nên nhìn mọi việc với cái đầu mở. Nếu trở về nước ngay khi học xong và có cơ hội đóng góp là rất quý. Nhưng chọn ở lại thêm một thời gian, tiếp cận với nhiều điều mới mẻ khác, học thêm cái tiến bộ của bên ngoài để khi thấy mình đủ lực và quay về, đem những tích lũy ấy chia sẻ lại trong nước sẽ hữu ích biết bao.
Thế nên không phải chuyện ở lại hay về. Điều quan trọng là bản thân thấy hạnh phúc với điều đang làm, nhận ra mình dồi dào năng lượng để sẵn lòng chia sẻ và cho đi. Ấy mới là nguồn vui của cuộc sống cần có mỗi ngày.
NGUỒN: LÊ TRƯỜNG AN (TRƯỜNG ĐH MỞ TP.HCM) – DIỄM THÚY (ĐỒNG NAI)