Dịch Thuật Tâm Hòa Phát
Danh mục sản phẩm

Người nước ngoài thích cuộc sống ngõ sâu, phố cổ Hà Nội

Những ngày đầu thuê nhà trong khu tập thể hơn 100 năm tuổi trên phố Tông Đản, Trevor thấy hơi hối hận nhưng sau đó nhận ra cuộc sống ở đây rất đáng yêu.

Chàng trai 21 tuổi người Mỹ nói ấn tượng đầu tiên của anh về khu tập thể cũ thuộc địa bàn phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm này là không gian khá tối tăm, phía bên ngoài vách tường cũ kỹ, ẩm thấp, cầu thang sâu hun hút. Nhưng chỉ sau một đêm, sáng hôm sau thức dậy nhìn cảnh người dân sinh hoạt, cùng phơi đồ, trò chuyện rôm rả, Trevor lấy lại tinh thần. Anh hài lòng hơn khi thấy phòng mình ở được cải tạo, trang trí đậm chất Việt với mây, tre.

“Tôi ở đây đã hơn một tháng, dần hiểu và yêu cuộc sống của người Hà Nội, đặc biệt là hàng xóm thân thiện ở khu tập thể cũ”, Trevor nói.

Trevor (đầu tiên) tuân thủ quy tắc vứt rác đúng giờ, gửi xe đúng chỗ, không gây ồn ào trong quá trình lưu trú tại một homestay nằm trong khu tập thể cũ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 5/2024. Ảnh: Thanh Nga

Trevor (đầu tiên) tuân thủ quy tắc vứt rác đúng giờ, gửi xe đúng chỗ, không gây ồn ào trong quá trình lưu trú tại một homestay nằm trong khu tập thể cũ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 5/2024. Ảnh: Thanh Nga

Anh thuê căn homestay với giá một triệu đồng mỗi ngày, khá đắt so với các khách sạn quanh khu vực phố cổ nhưng trải nghiệm tự nhận phòng, tự giữ chìa khóa, tự phục vụ khiến anh thích thú. Hơn một tháng ở đây, Trevor nhiều lần thức dậy từ 5h ngồi ăn sáng, uống trà đá vỉa hè cùng cư dân, trải nghiệm không nhiều người nước ngoài có được. Anh còn đặc biệt thích những nội quy của khu tập thể như vứt rác đúng giờ khi có tiếng kẻng, mọi người dân để chung xe ở sân cũng như không ồn ào vào buổi tối.

“Những lần trước tới Việt Nam, ở khách sạn lớn tôi không cảm nhận được nhịp sống chậm, bình yên như ở khu tập thể cũ này”, Trevor nói.

Sofia (bên phải) ăn cơm cùng gia đình chủ nhà trong thời gian thuê hostel tại phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 2/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sofia (bên phải) ăn cơm cùng gia đình chủ nhà trong thời gian thuê hostel tại phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 2/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sofia, cô gái người Nga chọn ở hostel (nhà nghỉ tập thể) nằm trong một ngôi nhà cổ ở phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Cô nói bị thu hút bởi lối vào dài hẹp, bên trong cầu thang lên tầng ngoằn nghèo nhưng bước ra ban công của tòa nhà có thể ngắm nhìn cả khu phố cổ nhộn nhịp.

Ở nhà nghỉ tập thể, mức giá từ 100.000 đến 150.000 đồng mỗi đêm, Sofia cho biết đây là nơi khá lý tưởng để tiết kiệm chi phí nếu ở Hà Nội trải nghiệm trong thời gian dài. Những bất tiện như phải dùng chung nhà vệ sinh, sân phơi đồ, ban công không hề khiến Sofia khó chịu, thậm chí chúng còn giúp cô quen được nhiều bạn mới.

“Cuộc sống vui vẻ như ở ký túc xá, vị trí này còn ngay trung tâm phố cổ, rất thuận tiện cho tôi khám phá một Hà Nội và Việt Nam rất khác”, Sofia nói.

Bốn tháng ở trong nhà cổ ở Hàng Lược, Sofia nói xem chủ nhà như người thân. Cô kể đợt Tết vừa rồi được chủ nhà mời những món đặc ăn trưng như bánh chưng, dưa hành, thịt đông, thậm chí được về thăm quê của cô chú.

“Tôi rất biết ơn họ. Cảm giác sống ở đây thoải mái như ở nhà mình vì ai cũng thân thiện”, Sofia nói.

Cải tạo những căn nhà cổ hay biến phòng ở khu tập thể cũ thành homestay đã xuất hiện ở Hà Nội từ những năm 2015. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, nhờ có sự phát triển của công nghệ số khách nước ngoài biết và tìm đến trải nghiệm ngày càng nhiều. Trên mạng xã hội, hội nhóm về homestay phố cổ Hà Nội cũng thu hút hơn 50.000 người quan tâm.

Bắt đầu kinh doanh trong ngành từ năm 2019, đến nay chị Hồng Nhung, 35 tuổi đã sở hữu hơn 10 căn homestay nằm ở khu tập thể, nhà cổ ở các tuyến phố như Tông Đản, Lê Phụng Hiểu, Nguyễn Khắc Cần, Đào Duy Từ, Tạ Hiện.

Chị Nhung nói muốn chọn những khu giữ nguyên được kiến trúc xưa hay những nhà nằm trong ngõ sâu đậm chất phố cổ Hà Nội để khách nước ngoài được trải nghiệm văn hóa. Tuy nhiên, vì những căn lâu đời thường xuống cấp, vách tường bong tróc nên chị Nhung vẫn phải cải tạo bên trong để khách được ở tiện nghi dù giá thuê khá cao, từ 800.000 đồng đến 1, 5 triệu đồng một đêm.

Từ tháng 10/2023 đến nay, lượng khách tăng gấp đôi so với mọi năm, hơn 90% các căn của chị Nhung đều kín khách thuê. Nhóm khách từ 18-29 tuổi chiếm khoảng 70%, chủ yếu đến từ Mỹ, Canada, Nga, Pháp, Hàn Quốc. Đa số khách lưu trú từ vài tuần đến vài tháng do là dân du mục kỹ thuật số, freelancer.

“Khách có thể ở chung cả gia đình 7-8 người, quây quần bên nhau thay vì phải tách phòng như khách sạn”, chị Nhung nói. Khi ở đây khách đều phải tuân theo nội quy của cư dân, ví dụ ở khu tập thể phải vứt rác đúng giờ, khóa cổng khi ra, vào ban đêm, không ồn ào, khách Tây sẽ được sống như người bản địa.

Anh Nhật Hoàng, quản lý một nhà nghỉ tập thể trên phố Hàng Lược cho biết từ năm 2021, gia đình anh cải tạo tầng 2 và tầng 3 để làm nơi cho khách lưu trú. Tầng một vẫn là nơi ở của bố mẹ anh.

Hoàng cho biết các phòng ở xây theo mô hình giường tầng, tổng có khoảng 6-7 phòng, mỗi phòng 6-8 giường đơn. Ba tháng đầu năm 2024, nhà nghỉ của anh luôn kín phòng bởi đa số đều là khách ở dài hạn từ vài tuần đến vài tháng, việc sinh hoạt chung, sống cùng người phố cổ cũng khiến họ thích thú.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xu hướng người nước ngoài muốn trải nghiệm cuộc sống trong ngõ sâu, khu tập thể lâu đời ở phố cổ Hà Nội nằm trong dòng chảy nhu cầu muốn khám phá sâu về văn hóa bản địa Việt Nam. “Nhiều người còn sẵn sàng chi tiền để được sống ở bản, ở rừng, được gặt lúa, thu hoạch nông sản như một người Việt”, bà Nga nói.

“Nhiều người nước ngoài kinh ngạc, thích thú khi được ở nhà trong ngõ, ở bên ngoài phố tấp nập nhưng bên trong có thể là những gia đình nhiều thế hệ chung sống, những hàng ăn ẩn nấp”, chuyên gia cho biết.

Một homestay nằm trong khu tập thể Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Nga

Một homestay nằm trong khu tập thể Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Nga

Tuy nhiên, bà Nga cũng cảnh báo những homestay, hostel nằm trong ngõ sâu cần đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn khách thoát hiểm cũng như hạn chế mọi hành động dễ gây cháy nổ trong lúc lưu trú.

Anna, 24 tuổi, cô gái người Đức đã quyết định trả phòng sau vài ngày ở trong một homestay nằm sâu trong ngõ phố Hàng Bè, phường Hàng Bạc quận Hoàn Kiếm.

“Ở đây thiếu ánh sáng, không gian xung quanh khá hẹp khiến tôi thấy không an toàn. Không gian này chỉ hợp để trải nghiệm vài tiếng”, Anna nói.

Thanh Nga

--------