Theo báo The Sydney Morning Herald (SMH), dù là giữa buổi sáng ở Tokyo (Nhật Bản) và nhiệt độ ngoài trời lên tới 36 độ C, nhưng cái nóng mùa Hè chẳng thể ngăn cản được dòng khách du lịch đổ về chùa Sensoji cổ kính từ ga xe lửa ở quận Asakusa của thành phố.
Hàng đoàn du khách len lỏi qua nhau dọc theo phố mua sắm Nakamise-dori, con đường chính dẫn vào chùa Sensoji, đôi khi họ dừng lại lau mồ hôi trên trán, hoặc đưa mắt nhìn qua đám đông tìm kiếm những người bạn đồng hành bị lạc trong các quầy bán đồ trang sức và quạt giấy Nhật Bản. Những bậc thang dẫn lên lối vào chùa chật kín người. Những chiếc kimono được khách thập phương thuê để mặc chụp ảnh bay phấp phới.
Ngôi chùa Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 này từ lâu đã là điểm thu hút khách du lịch đến với Nhật Bản. Nhưng năm nay, chùa Sensoji – cùng với các điểm tham quan nổi tiếng khác trên khắp đất nước – đã đón lượng du khách kỷ lục, những người đang tận dụng việc đồng yen thấp để đến tham quan “xứ sở Mặt Trời mọc”.
Tuy nhiên, sự bùng nổ du lịch ở Nhật Bản đang bị coi là “con dao hai lưỡi” – mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp và ngành du lịch của Nhật Bản, song cũng khiến người dân địa phương phải vật lộn với phương tiện giao thông công cộng đông đúc, rác thải, giá cả tăng cao và ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là xung quanh các khu vực linh thiêng hoặc nổi tiếng về du lịch.
Tại một số điểm tham quan, chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông – chẳng hạn như giới hạn và hạn chế đối với du khách – và ngày càng nhiều doanh nghiệp đang thử nghiệm hệ thống định giá hai cấp được thiết kế để giữ giá ở mức thấp cho người dân địa phương, nhưng tăng giá đối với khách du lịch.
Đối với rất nhiều du khách Australia đến Nhật Bản trong mùa du lịch năm nay, sức mạnh của đồng AUD so với đồng yen đã khiến Tokyo trở thành điểm đến lý tưởng cho một kỳ nghỉ hợp lý. Tỷ giá hối đoái đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đồ ăn của Nhật Bản cũng được đánh giá là khá ngon. Vì vậy, rất nhiều du khách cho biết thay vì đến Bali (Indonesia), hiện Nhật Bản được lựa chọn là điểm đến ưa thích số 1 của họ.
Trong 6 tháng qua, Tokyo đôi khi đã vượt qua Bali để trở thành điểm đến du lịch được người Australia tìm kiếm nhiều nhất trên các nền tảng trực tuyến chuyên về du lịch như Booking.com. Hơn 462.000 người Australia đã đến thăm Nhật Bản trong nửa đầu năm nay, tăng 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Tổng cộng, kỷ lục 17,7 triệu lượt khách du lịch đã đến Nhật Bản từ tháng 1-6/2024, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 6,9% so với năm 2019, theo dữ liệu do Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản công bố. Hầu hết du khách đến từ Đông Á, cụ thể là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ.
Tokyo, một thành phố quốc tế rộng lớn với 14 triệu dân, được trang bị tốt hơn các địa phương khác để đối phó với lượng khách du lịch khổng lồ. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở chân núi Phú Sĩ – Di sản Thế giới được UNESCO công nhận – rất khác biệt. Lần đầu tiên, Nhật Bản giới hạn số lượng du khách đến núi Phú Sĩ là 4.000 người/ngày và ấn định mức phí vào cửa là 2.000 yen (20,40 USD) trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2024 sau khi số lượng khách du lịch đến tham quan khu vực này tăng đột biến, gây ùn tắc giao thông và để lại rác thải dọc những con đường mòn dọc chân núi.
Tại thị trấn nhỏ Fujikawaguchiko gần đó, các nhà chức trách địa phương đã cho dựng lên một hàng rào lưới đen khổng lồ trước cửa hàng tiện lợi Lawson, nơi có nhiều cảnh quan tuyệt đẹp nhìn ra ngọn núi. Sự hấp dẫn của việc chụp được một bức ảnh “tinh túy” của Nhật Bản đã thu hút hàng nghìn khách tham quan đến cửa hàng, sau khi bức ảnh này lan truyền trên mạng xã hội, khiến người dân địa phương phàn nàn về việc khách du lịch đứng “check-in” làm tắc nghẽn giao thông và thậm chí có người còn trèo lên mái nhà để chụp được bức ảnh hoàn hảo. Chỉ trong vài ngày, hàng rào lưới đã bị thủng và tháng trước, các quan chức đã phải thay thế nó bằng một hàng rào chắc chắn hơn.
Ở Kyoto, vào tháng 6/2024, chính quyền địa phương bắt đầu tổ chức thêm các dịch vụ xe buýt quanh thành phố, bao gồm cả xe buýt tốc hành tham quan mới để đưa đón khách du lịch giữa các điểm tham quan chính. Nguyên nhân là do một số người dân địa phương sống gần các khu du lịch đã tỏ ra rất bức xúc vì không đủ chỗ trên xe buýt. Trên nhiều chuyến xe buýt, không có người Nhật mà chỉ có khách nước ngoài.
Tình hình căng thẳng nhất ở Quận geisha Gion của Kyoto. Kể từ tháng 4/2024, khách du lịch đã bị cấm đi vào các con đường riêng và ngõ hẻm quanh co trong khu vực. Biện pháp có phần “cực đoan” này được hội đồng địa phương ban hành sau nhiều lần có thông tin những người phụ nữ bị rượt đuổi và bị chụp ảnh khi chưa cho phép. Nhiều người dân địa phương chia sẻ rằng họ thấy như đang sống ở nước ngoài vì họ gặp quá nhiều du khách ngoại quốc.
Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang vật lộn với khó khăn kép, bao gồm già hoá dân số và hoạt động sản xuất suy yếu, ngành du lịch đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Du khách đã chi tiêu kỷ lục 1.750 tỷ yen (18 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2024, đưa ngành du lịch nước này trở trành mặt hàng dịch vụ xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật Bản sau ô tô, vượt qua cả linh kiện điện tử và thép.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có tham vọng lớn là đưa ngành du lịch nội địa bước lên một tầm cao mới. Tokyo đặt mục tiêu thu hút 60 triệu lượt du khách vào năm 2030 – gần gấp đôi kỷ lục 31,9 triệu lượt du khách của năm 2019. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản cho rằng chính phủ cần phải có các chính sách để đảm bảo sự yên bình và cảnh quan sạch sẽ cho người dân địa phương. Đối với họ, việc chào đón số lượng lớn du khách quốc tế muốn ngắm nhìn toàn cảnh núi Phú Sĩ hoặc tận hưởng mùa hoa anh đào nở rộ là điều đáng mừng, nhưng cần phải có các biện pháp phù hợp để đảm bảo du lịch phát triển một cách “có trật tự”.